Vào dịp cuối năm, thời tiết miền Bắc đón những đợt gió mùa, nhiệt độ hạ xuống thấp khiến cho cơ thể vốn đã yếu của người cao tuổi lại càng thêm đau nhức, mệt mỏi và dễ nhiễm bệnh hơn. Đặc biệt là những người bị đái tháo đường có các biến chứng về hô hấp, thần kinh,tim mạch…vô cùng nguy hiểm. Vì vậy cần lưu ý sinh hoạt hàng ngày để bảo vệ sức khỏe.
Khi nhiệt độ giảm, khả năng miễn dịch của bệnh nhân đái tháo đường cũng bị suy giảm. Trời lạnh rất dễ khiến bệnh nhân đái tháo đường bị cảm lạnh. Do vậy tình trạng của bệnh nhân có thể sẽ tồi tệ hơn.
Với những bệnh nhân đái tháo đường nhưng ít vận động việc thay đổi thời tiết đột ngột có thể là yếu tố làm gia tăng việc phơi nhiễm đường hô hấp và sức đề kháng của cơ thể. Do vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên nền bệnh đái tháo đường và thường người bệnh có thể trạng béo phì dễ làm gia tăng các đợt cấp COPD, gia tăng đợt cấp nhiễm trùng hô hấp. Khi sức đề kháng giảm, tình trạng bệnh không chỉ nặng hơn mà còn làm gia tăng các đợt cấp và suy hô hấp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, vào mùa đông, yếu tố tác động của thời tiết thường là lý do khiến bệnh nhân ít vận động và có lối sống tĩnh tại nhiều hơn. Hơn nữa trời lạnh, quá trình trao đổi chất được tăng cường sẽ khiến cơ thể cố gắng đốt cháy nhiều năng lượng hơn nhằm ổn định thân nhiệt và giữ ấm.
Điều này cũng là lý do khiến chúng ta tăng cường ăn uống để tăng năng lượng cho việc chống rét. Việc ăn nhiều hơn và ít vận động là nguyên nhân làm tăng đường huyết cao. Và cũng chính việc tăng tỷ lệ đường huyết cao sẽ gây ra bất lợi cho sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường là cả một quá trình bao gồm bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên khi có những tác động cấp như việc đường máu cao tăng liên tục sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của cơ thể. Điều này làm giảm sức đề kháng đồng thời gia tăng các tác nhân bội nhiễm, đặc biệt là bội nhiễm liên quan đến đường hô hấp.
Thời tiết lạnh cũng có thể gây co mạch và làm máu chảy chậm hơn. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ra các biến chứng tim mạch và mạch máu não ở bệnh đái tháo đường.
Cũng giống như nhiệt độ quá cao, thời tiết quá lạnh có thể ảnh hưởng đến insulin và khiến máy đo đường huyết hoạt động không chính xác. Do đó, không nên để các thiết bị này và insulin trong xe khi nhiệt độ bên ngoài quá lạnh mà nên giữ chúng ở trong phòng.
Mùa đông khí hậu lạnh giá và gia tăng bệnh cúm, điều này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2022 trên Open Forum Infectious Diseases cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường có khả năng phải nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến cúm cao hơn gần 60% so với những người không mắc bệnh đái tháo đường. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thế giới về các trường hợp lâm sàng năm 2021, các biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 cũng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
Chính vì vậy, rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên để không lây lan vi trùng là điều hết sức cần thiết. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang vừa vặn, đặc biệt nếu mức độ lây lan COVID-19 trong cộng đồng cao tại khu vực bạn sinh sống và thực hiện giãn cách xã hội trong nhà ở những nơi công cộng.
Ngoài ra, chuyên gia bệnh đái tháo đường khuyến nghị những bệnh nhân đái tháo đường nên chuẩn bị sẵn một số đồ dùng cần thiết trong nhà, phòng khi bị ốm như thuốc ho không đường, trà…
Kỳ nghỉ Tết là kỳ nghỉ dài trong thời tiết lạnh nên việc quản lý bệnh đái tháo đường type 2 trong những ngày này có thể khó khăn. Nhiều món ăn truyền thống chứa nhiều carbohydrate sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên. CDC khuyến cáo người bệnh nên lập kế hoạch cho các bữa ăn của mình và thực hiện ăn uống điều độ để tránh tăng cân. Điều quan trọng là phải tránh hoặc hạn chế uống rượu, vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu và tương tác với thuốc trị tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có thể gây mất cảm giác ở ngón chân và bàn chân. Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị bảo vệ chúng bằng giày dép mùa đông phù hợp, dùng tất thấm ẩm để giữ chân và bàn chân khô ráo. Bên cạnh đó, cần thoa kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa nhiễm trùng và kiểm tra thường xuyên. Trường hợp thấy vết thương không lành, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
Có thể khó có động lực để tập thể dục vào mùa đông, đặc biệt khi có mưa phùn. Tuy nhiên, tập thể dục lại là một phần quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu. Chính vì vậy, để không làm gián đoạn việc tập luyện, người bệnh có thể tránh tập ngoài trời mà chuyển vào trong nhà với các hoạt động phù hợp như đi cầu thang bộ, đi vòng quanh nhà, tập tạ hay tập thể dục qua video…
Chỉ Số đường Huyết
Chế độ ăn và sinh hoạt ảnh hưởng tới đường huyết.
Vào mùa đông, dinh dưỡng cần được đảm bảo cân bằng để bù đắp lại thói quen ít vận động. Người bệnh không nên quá lạm dụng việc tăng khẩu phần ăn với mục đích tăng năng lượng. Bên cạnh đó cần lưu ý uống đủ nước, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhằm tăng sức đề kháng.